Di tích lịch sử văn hóa Đình Chùa Duyên Thọ xã Giao Nhân và Lễ hội truyền thống định kỳ năm 2023
Lượt xem: 1808

         Đình và Chùa Duyên Thọ được xây dựng liền nhau trên một khu đất rộng 2 mẫu 7 sào ở cánh đồng Bạch Ra thuộc xóm Duyên Sinh. Cụm di tích này nằm tách biệt khỏi khu dân cư, gần trục đường 56 của huyện, rất thuận lợi về giao thông cho du khách đến tham quan.

          Căn cứ vào thần phả lưu giữ tại Đình và truyền thuyết tại địa phương thì vào những năm đầu của thế kỷ XVII có 4 cụ là Nguyễn Bá Giao, Đỗ Công Chính quê ở ngoại thành Thăng Long và các  cụ Mai Đức Thiện, Vũ Hàn Phương quê ở Nam Trực- Nam Định đã về vùng bãi bồi (Hốc Giang) nay là xã Giao Nhân định cư làm nghề đánh bắt cá để sinh sống. Thấy bãi biển nơi đây ngày một bồi đắp rộng thêm, có thể làm nơi sinh sống lâu dài, nên năm 1623 bốn cụ đã dâng sớ  xin triều đình nhà Lê cho khai phá đất đai. Qua nhiều năm vất vả vật lộn với thiên nhiên, thau chua rửa mặn các cụ đã khai khẩn được 1.421 mẫu ruộng để trồng cấy lúa nước, từ đó mà hình thành nên làng xã ngày càng trù phú. Với công lao to lớn trong việc khai hoang lập ấp, các cụ đã được triều đình nhà Lê ghi nhận công đức và ban tặng sắc phong “Tứ tính tiên công”. Để ghi nhớ công ơn của các vị tổ đã có công khai cơ lập nghiệp, nhân dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền của xây Đình để phối thờ 4 vị tổ cùng với Thành hoàng làng.

Đình Duyên Thọ là nơi thờ Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương), một vị tướng  dưới thời vua Lý Nam Đế, ông đã có công dẹp tan giặc Lương bảo vệ bờ cõi (năm 550). Ngôi Đình Duyên Thọ được xây theo kiểu "tiền nhất hậu đinh", là công trình kiến trúc được làm vào cuối thế kỷ XIX. Nhà Tiền đường làm theo kiểu vì kèo giá chiêng, mái có 2 lớp theo kiểu chồng diêm. Tất cả bộ khung nhà tiền đường đều được làm bằng gỗ lim. Bộ mái nặng nề dồn trọng lực vào 24 chiếc cột được giằng giữ bằng hệ thống vì kèo, xà dọc, xà ngang và ngạch ngưỡng cửa.

anh tin bai

Cùng nằm trên một mảnh đất với Đình quay về phía Tây Nam đó là Chùa Duyên Thọ, là một quần thể kiến trúc trong đó có nơi thờ Phật, phủ thờ mẫu, nhà khách, gác chuông và các công trình phục trợ khác, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Đình Chùa Duyên Thọ (tức Sùng Nghiêm Tự) là một công trình kiến trúc được xây dựng hoàn toàn theo phong cách truyền thống, có nhiều nét sáng tạo góp phần làm phong phú thêm cho kiến trúc đình chùa Việt Nam. Đồng thời, di tích LSVH Đình Chùa Duyên Thọ còn là cơ sở cách mạng tin cậy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây là cái nôi của cách mạng, nơi hội họp của nhiều cán bộ Đảng viên tham gia hoạt động cách mạng và là nơi sinh hoạt chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ xã Giao Nhân.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo đó, Đình Chùa Duyên Thọ xã Giao Nhân được Nhà nước xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Vào tháng 3 năm 1997, địa phương tổ chức lễ hội để đón bằng di tích lịch sử văn hóa. 

      Được sự nhất trí và cho phép của UBND huyện, phòng Văn hóa – thông tin huyện, được sự thống nhất của Đảng ủy – HĐND – UBND xã, Ban tổ chức phối hợp với Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa tiến hành tổ chức lễ hội truyền thống định kỳ vào năm 2023. Chương trình lễ hội truyền thống định kỳ năm 2023 cụ thể như sau:

Ngày 29 tháng 4 năm 2023 (tức ngày 10 tháng 3 năm Quý Mão):

* Buổi sáng:

- Từ 06 giờ đến 07 giờ: Các đoàn, các khối tập trung tại sân Đình Duyên Thọ và làm công tác chuẩn bị cho cuộc rước.

- Đúng 07 giờ: Phát lệnh cuộc rước.

- Từ 09 giờ 30 phút – 10 giờ: Tổ chức đón tiếp khách.

- Từ 10 giờ đến 11 giờ: Khai mạc lễ hội và lễ dâng hương của đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành đoàn thể địa phương và các đoàn đại biểu khác.

* Buổi chiều:

- Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ: Các đoàn đại biểu tổ chức chương trình dâng hương và tổ chức các hoạt động trò chơi tại di tích.

* Buổi tối:

- Từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ: Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội truyền thống của Nhà hát chèo Nam Định.

Ngày 30 tháng 4 năm 2023 (tức ngày 11 tháng 3 năm Quý Mão):

* Buổi sáng:

- Từ 07 giờ đến 11 giờ: Các đoàn đại biểu tiếp tục tế lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trò chơi tại di tích.

* Buổi chiều:

- Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ: Các đoàn đại biểu tiếp tục dâng hương và tổ chức các hoạt động trò chơi diễn ra tại di tích.

* Buổi tối:

- Từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút: Các đội văn nghệ của các đơn vị, các cơ sở xóm tập trung tại sân Đình thuộc di tích LSVH và làm công tác chuẩn bị.

- Từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ: Tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ “Tiếng hát sân đình” của các đơn vị, các cơ sở xóm mừng thành công Lễ hội truyền thống di tích LSVH đình chùa Duyên Thọ năm 2023.

              - 22 giờ: Bế mạc đêm văn nghệ và Bế mạc lễ hội.

           Để thể hiện lòng tri ân công đức sâu sắc đối với các bậc tiền nhân khai sáng và bằng cả tình cảm, trách nhiệm của mình đối với di tích lịch sử văn hóa, cán bộ, nhân dân và những người con quê hương hãy trở về cùng lễ hội truyền thống góp sức, góp công, góp của để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa – di sản vô giá mà cha ông ta đã để lại cho các thế hệ con cháu ngày hôm nay ngày một khang trang, rực rỡ, ngang tầm với sự phát triển của địa phương và đất nước./.

  


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1