Đề án phân loại, thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn xã Giao Nhân
Lượt xem: 4874

PHẦN I: MỞ ĐẦU.

          1. Sự cần thiết ban hành Đề án:

Những năm qua công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã giao Nhân đã đi vào nề nếp cơ bản người dân đã có ý thức trong việc thu gom rác thải. Tuy nhiên do đời sống sinh hoạt của nhân dân ngày được nâng lên, rác thải sinh hoạt ngày một nhiều, rác thải sinh hoạt hiện tại hầu như chưa được phân loại triệt để. Năm 2010 xã  bắt đầu tổ chức thu gom rác thải. Tại thời điểm đó rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn xã khoảng 1,0 tấn/ngày nhưng đến nay lượng rác thải phát sinh tăng lên (khoảng 2,5 tấn/ngày). Khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã Giao Nhân có tổng diện tích mặt bằng 2,2ha. Xử lý bằng phương pháp chôn lấp cho đến nay. Tuy nhiên, khu vực xử lý rác thải đã bị quá tải. Hiện tại, để đảm bảo hiệu quả xử lý rác tại khu vực, xã Giao Nhân đang thực hiện các quy trình xây dựng khu xử lý rác thải tập trung với quy mô 5 tấn rác thải/ngày, công suất lò đốt là 1 tấn/h.

Hiện nay các hộ dân hầu hết mới chỉ phân được các chất thải có khả năng tái chế: đồ điện tử, sắt thép từ xây dựng nhà, vỏ chai nhựa, bao bì, vỏ hộp sữa, vỏ lon các loại....để bán phế liệu. Còn rác hữu cơ dễ phân hủy như: Thức ăn thừa, các loại thực phẩm thải bỏ, lá cây, hoa, rau củ quả, xác, phân động vật, và rác vô cơ: Băng, tã giấy vệ sinh, vỏ bao bì bánh kẹo, đồ sành sứ, quần áo, bóng đèn hỏng …còn để lẫn lộn, dẫn đến công tác phân loại, xử lý rác tại khu xử lý rác thải của xã gặp rất nhiều khó khăn, độc hại và dễ xảy ra tai nạn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Chi phí cho việc xử lý môi trường ngày một cao. Trong khi đó đóng góp của nhân dân mỗi khẩu mới chỉ dừng lại ở mức 4.000 đồng/khẩu/tháng, thấp hơn so với mức quy định của UBND tỉnh.

Đặc biệt khi mưa, rác hữu cơ phân hủy bốc mùi hôi, thối lẫn với rác vô cơ và không thể xử lý triệt để; làm phát sinh ruồi, muỗi, gây ô nhiễm khu xử lý rác làm ảnh hướng tới môi trường. Nếu không được phân loại và xử lý rác tốt ngay tại hộ gia đình thì nguy cơ rác thải sinh hoạt chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường ngay tại gia đình các hộ nhân dân làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính các thành viên trong gia đình nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.

Vì vậy để đảm bảo sức khỏe cho chính các hộ gia đình và nhân dân trong xã thì phải đẩy mạnh việc tổ chức phân loại và xử lý rác ngay tại mỗi hộ gia đình là nhiệm vụ và trách nhiệm của hộ gia đình và từng người dân trong xã nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ chính sức khỏe mỗi hộ gia đình.

Để giảm khối lượng rác thải phải xử lý hàng ngày tại bãi rác tập trung của xã, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân. UBND xã xây dựng đề án “Thu gom và xử lý  rác thải sinh hoạt trên địa bàn tuyến đường Quốc lộ 37b và tỉnh lộ 489 với mục đích làm tiền đề cho việc triển khai nhân rộng mô hình cho toàn xã và thay đổi thói quen, lề lối sinh hoạt của người dân. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Xây dựng môi trường trên địa bàn xã ngày thêm xanh - sạch - đẹp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường để ổn định an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã ngày càng bền vững.

2. Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án:

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 5 năm 2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường; số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Huớng dẫn số 2276/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nam Định Về hướng dẫn thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã;

Căn cứ Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Nam Định ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt trên đại bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định;

Căn cứ Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành tiêu chí xã, công nhận xã NTM kiểu mẫu gia đoạn 2018-2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 06/6/2018 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành bộ tiêu chí thị trấn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020;

Căn cứ Hướng dẫn 813/SNN-VPĐP ngày 02/10/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện và căn cứ chứng minh mức đạt bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020;

PHẦN II: NỘI DUNG

I. Thực trạng công tác thu gom xử lý rác trên địa bàn xã:

1.1 Thực trạng rác thải sinh hoạt trên tuyến đường Quốc lộ 37b và tỉnh lộ 489.

Quốc lộ 37b và tỉnh lộ 489 là trục chính của huyện Giao Thủy đi qua dọc theo trung tâm của địa bàn xã với chiều dài 2.7 km, tổng số hộ là 226 hộ trong đó có 140 hộ sản xuất kinh doanh. Và 86 hộ gia đình có 258 nhân khẩu. Trên hai tuyến đường đa số các hộ phát triển ngành nghề sản xuất như cơ khí, mộc, kinh doanh buôn bán, quán ăn,...; có 01 chợ phục vụ dân sinh nên lượng rác thải phát sinh hàng ngày là rất lớn.

Năm 2010, xã đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bãi chôn lấp, xử lý rác thải theo Quyết định số 1575/QĐ-UBND tỉnh Nam Định về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2010. Khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã Giao Nhân có tổng diện tích mặt bằng 2,2 ha, sử lý rác cơ bản bằng phương pháp chôn lấp.

Rác sinh hoạt trên 2 tuyến đường được thu gom đạt trên 98%, thu gom 02 lần/tuần; khối lượng rác trung bình khoảng 2 tấn/lần thu gom. Rác thải sinh hoạt của các hộ dân hầu hết được đựng trong các túi ni lông, bao bì tận dụng và hầu như chưa được phân loại nên vẫn còn hiện tượng nước rác chảy trực tiếp ra các nơi để rác trước khi được thu gom, gây mất vệ sinh môi trường và bức xúc cho một số hộ nhân dân. Một số ít hộ chăn nuôi đã tận dụng các chất thải hữu như thực phẩm thừa sau chế biến, sinh hoạt để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, tuy nhiên số hộ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn hầu hết các rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, lá cây...chưa được các hộ nhân dân tận dụng phân loại, xử lý tại gia đình để làm phân bón cho cây trồng tại gia đình, gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến môi trường. Để xảy ra hiện tượng trên là do trong quá trình tổ chức thu gom, xử lý còn một số tồn tại và nguyên nhân sau:

1.2. Tồn tại:

- Do rác thải sinh hoạt chưa được phân loại ngay tại hộ gia đình do địa phương chưa triển khai phương án phân loại rác riêng biệt và cũng một phần do người dân chưa ý thức được tác hại của rác thải sinh hoạt nếu không được phân loại.

- Các hộ chưa được hướng dân phân loại và sử dụng các chế phẩm sinh học như (EM, hóa chất, vôi bột…) để xử lý rác sinh hoạt hữu cơ ngay tại hộ gia đình mới chỉ dừng lại ở việc thu gom rác.

1.3. Nguyên nhân

- Do địa phương chưa triển khai phương án phân loại rác riêng biệt vô cơ, hữu cơ.

- Do người dân chưa hiểu hết được tác hại của việc không phân loại rác, phân

loại rác không đúng, lợi ích của việc phân lại rác, xử lý rác. Đặc biệt là tác hại của rác thải nhựa dùng 1 lần như túi, bao bì bằng ni lông.

- Do thói quen sinh hoạt.

- Do việc tiết kiệm tận dụng các bao bì túi ni lông để đựng rác.

- Công tác tuyên truyền còn hạn chế.

      II. Hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác tại nguồn.

1. Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng kế hoạch.

1.1. Quan điểm:

- Công tác quản lý và phân loại thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ yếu, đẩy mạnh công tác hội hóa về bảo vệ môi trường và phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

- Trước mắt cần triển khai tất cả các hộ dân trên tuyến đường QL 37b và tỉnh lộ 489 thực hiện Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phải được 100% dần sau đó triển khai ra các hộ nhân dân trong toàn xã thực hiện để đảm bảo tính an toàn và phát triển bền vững về bảo vệ môi trường gắn liền với công tác qui hoạch phát triển kinh tế - hội theo hướng bền vững.

- Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là một biện pháp quan trọng, góp phần kiểm soát ô nhiễm, tạo cơ sở để địa phương hướng tới môi trường cuộc sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp và tiến tới xử lý rác bằng phương pháp lò đốt.

1.2. Mục tiêu:

- Nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ngày càng bền vững và góp phần giải quyết an sinh hội;

- Nguồn rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình được thu gom và được phân loại tại mỗi hộ gia đình, tiến đến tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đã lượng rác thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm quỹ đất, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

- Nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải, tạo môi trường cuộc sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.

1.3. Chỉ tiêu:

- Tháng 6/2022 xã phát động các hộ dân trên tuyến đường 37b và tỉnh lộ 489  thực hiện làm tiền đề phần đầu, đến 10/2022 xã thực hiện phân loại rác trên địa bàn (8/8 xóm), phấn đấu năm 2022 có 100% số hộ dân trên địa bàn xã tự giác tham gia phân loại và xử lý rác tại nguồn.

- Mục tiêu phấn đấu từ tháng 12 năm 2022 có 100% rác thải hữu cơ của các hộ gia đình, cá nhân tại các xóm được phân loại và được xử lý tại hộ gia đình, cá nhân để làm phân bón dùng bón cho các loại cây trồng tại gia đình và 100% rác thải vô cơ còn lại được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của xã theo quy định.

2. Cách phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

2.1 Đối với hộ gia đình:

  - Quy định mỗi hộ gia đình cần có 2 thùng rác; 01 thùng đựng rác thải hữu cơ dễ phân hủy, 01 thùng đựng rác thải vô cơ. Trên thùng rác phải ghi rõ thùng đựng rác hữu cơ, thùng đựng rác vô cơ.

- Thùng rác phải được lót bằng túi ni lông để thuận tiện cho người thu gom rác, hạn chế nước rác chảy ra đường. Rác vô cơ có thể đựng vào trong túi ni lông sáng màu để người thu gom dễ kiểm tra và tổ chức tiêu hủy tại bãi rác, rác hữu cơ được xử lý tại các hố ủ dùng làm phân bón tại vườn hoặc nơi có thể đào hố ủ được trong khuân viên của gia đình nhằm hạn chế tới mức thấp nhất phải vận chuyển rác hữu cơ ra bãi rác thải tập trung của xã.

- Mỗi hộ gia đình phải thường xuyên vệ sinh thùng đựng rác sau mỗi lần được thu gom và vận chuyển ra bãi rác để xử lý.

- Đối với những hộ ở trong dong đến thời gian thu gom rác theo quy định phải mang rác ra nơi quy định để người thu gom vận chuyển ra bãi xử lý rác của xã.

  2.2. Đối với các trường học, trạm y tế, cơ quan doanh nghiệp, chủ kinh doanh nhỏ.

- Quy định phải có từ 2-4 thùng rác trong đó có 1-2 thùng rác hữu cơ, 1-2 thùng rác vô cơ. Thùng rác phải ghi rõ là thùng đựng rác hữu cơ, vô cơ để người thu rác và bỏ rác đúng theo quy định.

  - Vị trí đặt thùng rác: Vị trí đặt phải đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học. Đối với cơ quan doanh nghiệp; bố trí vị trí để thùng rác tùy vào không gian của cơ quan đơn vị, yêu cầu để ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy, thuận tiện cho người vứt rác và thu gom vận chuyển rác.

3.Trách nhiệm của hộ gia đình, đơn vị, cá nhân có phát sinh rác thải rắn sinh hoạt.

- Đóng góp đối ứng để mua thùng đựng rác: Mỗi hộ là 02 thùng đựng rác 01 thùng đựng rác hữu cơ, 01 thùng đựng rác vô cơ. Các hộ gia đình trên 2 tuyến đường  làm điểm về mô hình phân loại rác thải tại nguồn để tạo điều kiện cho nhân dân và các hộ gia đình trong xã đến đợt tiếp theo; UBND xã sẽ hộ trợ cho mỗi hộ gia đình 01 thùng rác còn một thùng do hộ gia đình tự mua theo hướng dẫn và mẫu

quy định của UBND xã;

- Các hộ dân giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện người thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và số lần thu gom theo quy định.

- Hộ gia đình, trên 2 tuyến đường QL 37b và tỉnh lộ 489 thống nhất triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn mà không thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn trước khi người thu gom tổ chức thu gom thì người thu gom có quyền từ chối thu gom rác thải theo quy định.

III. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

1. Tổ chức thu gom, vận chuyển:

- Đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm rác thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại (tạm gọi là rác vô cơ).

- Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu): hộ gia đình, đơn vị có thể bán phế liệu, trường hợp không bán thì bỏ chung với thùng chứa rác vô cơ.

       - Tổ chức thu gom theo định kỳ 1 lần/ngày. Thời gian thu vào đầu buổi sáng hàng ngày.

- Đối với các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, nơi công cộng có rác thải rắn khối lượng lớn như cây cối, đất, đá, gạch, ngói, bê tông vỡ do đào đắp, tháo rỡ các công trình xây dựng phải có trách nhiệm tự tổ chức thu gom, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và quy chế thu gom, xử lý rác thải của địa phương.

- Trường hợp hộ có vườn cần thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình để ủ rác thải hữu cơ trong khuôn viên vườn của gia đình để thành phân bón dùng bón cho các loại cây trồng, còn lại rác vô cơ thì chứa vào thùng rác vô cơ  để tổ thu gom vận chuyển ra bãi rác tập trung của xã xử lý theo quy định.

- Nghiêm cấm các tổ chức cá nhân xả thải bừa bãi rác thải sinh hoạt ra môi trường và khu vực công cộng; nếu các hộ cố tình thì UBND xã giao cho tổ kiểm  xử phạt đối các vi phạm trên theo đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện thu gom, vận chuyển rác.

- Phương tiện thu gom, vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, không rơi vãi rác thải rắn sinh hoạt, nước thải trong quá trình thu gom, vận chuyển.

3. Hình thức đi thu gom.

  - Có thể ngăn đôi thùng xe; phía trước đựng rác vô cơ, phía sau đựng rác hữu cơ. Hoặc có thể chở rác vô cơ trước, chở rác hữu cơ sau hoặc ngược lại. Tuyệt đối không được để lẫn rác vô cơ, hữu cơ sau khi các hộ nhân dân đã tổ chức phân loại theo quy định.

4. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

- Đối với các hộ gia đình, cá nhân làm điểm phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn tiến hành đào 01 hố xử lý rác hữu cơ dễ phân hủy (gồm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật) với kích thước 0,70 m x 0,70 m x 0,70 m tại các khu đất gò, vườn hoặc các vị trí đất khác có điều kiện của gia đình hoặc trong trường hợp khó khăn về địa điểm đào hố xử lý thì các hộ gia đình, cá nhân trong gia đình hoặc dong, ngõ có thể bàn và thống nhất lựa chọn địa điểm thích hợp trong khuân viên, các gia đình, cá nhân, dong ngõ để đặt hố xử lý, trên các hố xử lý phải có nắp đậy (quy trình xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại UBND xã có hướng dẫn cụ thể).

 - Khu xử lý rác thải phải bố trí hố chôn vô cơ và hữu cơ riêng biệt; rác thải sau khi đã được thu gom vận chuyển đến bãi chôn lấp và được xử lý đúng theo hướng dẫn số 2276/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

IV. THỜI GIAN CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1.     Thời gian.

Xã đã thực hiện phân loại rác tại nguồn tại 8/8 xóm trên địa bàn. Phấn đấu đến tháng 12/2022 có 100% các các hộ gia đình nhân dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, có 2 thùng riêng biệt hoặc thùng rác 2 ngăn có hố ủ rác hữu cơ.

2. Tổ chức thực hiện đề án.

2.1 Đối với các cơ sở xóm:

Căn cứ đề án của UBND xã; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị toàn thể nhân dân trong xóm để quán triệt, triển khai đề án của UBND xã, kế hoạch của cơ sở xóm lấy ý kiến thống nhất của nhân dân, tổng hợp kết quả báo cáo UBND xã và tổ chức thực hiện. Chọn các hộ gia đình trên tuyến đường QL 37b và TL 489 triển khai thực hiện đề án trước.

2.2 Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn xã:

Triển khai việc mua thùng rác, tổ chức phân loại rác tại cơ quan đơn vị mình theo đúng đề án của UBND xã và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Làm tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, công nhân trong cơ quan mình thực hiện tốt đề án của UBND xã.

2.3. MTTQ và các đoàn thể: Thường xuyên tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên trong tổ chức mình và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về việc thực hiện đề án phân loại rác tại nguồn để

đề án sớm đi vào cuộc sống góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

2.4. Công chức UBND xã phụ trách các lĩnh vực; Môi trường, Tài chính ngân sách xã, Hộ tịch hộ khẩu, Trưởng Công an xã, các đồng chí trưởng xóm, các cơ sở căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tham mưu mẫu thùng đựng rác, lập dự toán kinh phí hỗ trợ thùng rác; theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật ngân sách.

- Tổ chức thống kê theo nóc nhà (không tính theo hộ) số nhà phải hỗ trợ thùng rác, lập dự toán kinh phí hỗ trợ; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Thống kê số khẩu thu, nộp phí thu gom vận chuyển và xử lý rác thải.

- Phối hợp với Công chức VH-TT xã, truyền thanh xã, HTXDV nông nghiệp, Cán bộ thú y, Trạm y tế xã, các ông, bà cán bộ các cơ sở xóm hướng dẫn quy trình phân loại xử lý, thu gom rác thải tại nguồn cho nhân dân theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện.

- Ban công an xã phối hợp với Công chức chuyên môn của xã có liên quan, các cơ sở xóm; tổ kiểm tra xử lý vi phạm môi trường thường xuyên kiểm tra, theo dõi, lập biên bản vi phạm, báo cáo tham mưu cho UBND xã để xử lý đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường theo đúng các quy định của pháp luật.

3. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí.

 Đối tượng thu:

- Tất cả các nhân khẩu thường trú và nhân khẩu tạm trú trên địa bàn xã quản lý đều phải có trách nhiệm nộp phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

- Thời gian triển khai thu: UBND xã xây dựng kế hoạch thu và giao cho các đồng chí xóm trưởng thực hiện, phương án thu 01 tháng một lần từ ngày 20 cho đến hết tháng.

- Mức thu:

1. Đối với hộ gia đình, cá nhân:

- Hộ gia đình: 8.000 đồng/người/tháng;

- Hộ nghèo: 4.000 đồng/người/tháng;

- Cá nhân cư trú tại các phòng thuê trọ: 8.000 đồng/người/tháng;

2. Đối với hộ kinh doanh nhỏ:

- Cửa hàng bán hoa, rửa ô tô, xe máy, xe đạp: 120.000 đồng/hộ/tháng;

- Cửa hàng ăn uống bán một buổi; hộ kinh doanh giải khát, cà phê, karaoke, đại lý bánh kẹo: 100.000 đồng/hộ/tháng;

- Hộ kinh doanh hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, đồ điện, vật liệu xâu dựng, quần áo, internet, hiệu thuốc, giày dép, điện thoại, văn phòng phẩm, chế tác vàng bạc, nhôm kính, hàng thủ công...: 80.000 đồng/hộ/tháng.

3. Đối với các tổ chức cơ quan:

  - Trường hợp xác định khối lượng: 260.000 đồng/m3 rác (tỷ trọng 1m3 = 0,42 tấn).

  - Trường hợp không xác định được khối lượng:

         + Trường học, nhà trẻ; cơ quan hành chính, sự nghiệp: 110.000 đồng/đơn vị/ tháng;

+ Trụ sở doanh nghiệp: 160.000 đồng/đơn vị/tháng;

+ Cửa hàng, trung tâm thương mại; khách sạn; nhà hàng ăn uống; nhà máy; bệnh viện; phòng khám tư nhân; cơ sở sản xuất; chợ; nhà ga, bến tàu, bến xe; công viên; trung tâm dạy nghề, đào tạo việc làm: 350.000 đồng/đơn vị/ tháng.

 (Mức thu và mức chi trả công khoán, thanh toán hợp đồng UBND xã có thể điều chỉnh do giá thị trường thay đổi và thực hiện khi có Nghị quyết của HĐND phê duyệt).

-  Ông xóm trưởng của các xóm có trách nhiệm tổ chức thu, chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã theo đúng quy định của Luật ngân sách, các hướng dẫn của các cơ quan nhà nước và Nghị quyết của HĐND xã.

    PHẦN III: KẾT LUẬN

Đề án phân loại, thu gom, và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn được xây dựng từ thực tiễn, được tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của các ban, ngành, đoàn thể; nội dung Đề án có tính khả thi, sát thực; Đề án phân loại thu gom và xử lý rác thải của được triển khai sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường và phát huy được vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về rác thải, nâng cao cảnh quan, môi trường trong xã góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng các khu dân cư trên địa bàn xã ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; phấn đấu xây dựng xã đạt NTM nâng cao vào năm 2022.

Trên đây là nội dung Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Giao Nhân UBND xã đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trong xã tích cực tham gia để đề án đi vào thực hiện có hiệu quả vì “Một Giao Nhân sáng - xanh - sạch - đẹp” vì sức khỏe của chính mỗi người dân trong xã và của cả cộng đồng.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1